Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

CÁI KẾT CÓ HẬU! Thơ. Lê Trường Hưởng

CÁI KẾT CÓ HẬU!

Mười lăm năm cực nhục u sầu
Chìm nổi Kiều trôi dạt đớn đau…
“Khổ tận cam lai” dù đến muộn
Tai qua nạn khỏi dẫu chờ lâu
Duyên xưa chung thủy không phai nhạt
Tình cũ sắt son vẫn thắm mầu
Quy Phật nhờ Vân vào thế chỗ
Mọi bề trọn vẹn hậu về sau…

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

TẢN MẠN VỀ TÌNH YÊU. Thơ. Lê Trường Hưởng

TẢN MẠN VỀ TÌNH YÊU

Tắt đèn nhà ngói giống nhà tranh
Khắp chốn cùng quê những cuộc tình
Từng cặp uyên ương yêu thắm thiết
Ấm êm hạnh phúc một gia đình

Nghèo khó, gian nan thiếu mọi điều
Nhưng khi sở hữu một tình yêu
Ngàn lần sức mạnh như vừa tiếp
Cảm thấy cuộc đời đẹp bấy nhiêu!

Tình yêu lại thiếu chỉ giầu sang
Thừa thãi ngồi trên đống bạc vàng
Sống thế phỏng hơn gì đã chết?
Trái tim vô cảm hoá thành băng

Tiền đâu mua được một tình yêu
Nhưng có tiền vui cũng thật nhiều
Cuộc sống vợ chồng thêm thuận lợi
Tình tiền hoà hợp tốt bao nhiêu!

Đẹp lắm tình yêu thật diệu kỳ!
Yêu cho say đắm hết mình đi!
Trái tim còn đập, còn hơi thở
Sống thiếu tình yêu chẳng nghĩa gì! 




L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm



Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

ĐẬU PHỤ LÀNG. Thơ. Lê Trường Hưởng

ĐẬU PHỤ LÀNG

Đậu phụ làng rao trước cửa chùa
Sư thèm ăn lại sợ không mua
Tiểu bê sau tượng như là bỡn 

Sư bốc trên tay cứ tưởng đùa 
Lũ cẩu đánh hơi liền sủa rộ
Trụ Trì nghe thấy hỏi không thưa
Biết đâu thầy tớ đang phân xử:
Đậu phụ làng hơn đậu phụ chùa!

L.T.H.


Ảnh minh họa sưu tầm
Đậu phụ làng và đậu phụ chùa



GIẢI THÍCH LÀM SAO…? Thơ. Lê Trường Hưởng

GIẢI THÍCH LÀM SAO…?

( Một câu chuyện thật của tôi vừa xảy ra ngày 25/11/2019
có sao nói vậy.Bản thân tôi chưa lễ bái ở đâu bao giờ nên
hoàn toàn không phải tuyên truyền mê tín dị đoan! )

Giải thích làm sao một chuyện tâm linh
Mới xảy ra khiến tôi phải giật mình
Xin thuật lại mọi người cùng suy nghĩ
Giỗ mẹ, vàng mã hàng năm chuẩn bị
Áo quần, tiền vàng, trang sức…đủ đầy
Sát chủ nhật nên cúng trước một ngày
Đến hôm sau mới thắp hương hóa mã
Xong xuôi khóa cửa phòng nhưng thật lạ
Loay hoay mãi mà không thể vặn vào!
“Mọi ngày trơn tru nay lại hóc hay sao?”
Xem vẫn tốt! đành để sau…sửa vậy!
Lại bước vào trong bỗng nhiên nhìn thấy
Túi mã áo quần để sót còn nguyên!
Mang hóa xong, cửa lại khóa nhậy liền!
Không hiểu nổi, ngồi mông lung suy nghĩ
Nhớ đã lâu, con trai*, sau ngày húy kỵ
Một sáng đột nhiên - “con mơ thấy gặp Bà…”
- “Bà bảo gì không, con mau hãy nói ra?”
- Bà bảo gửi áo quần bà đang rét!
Vàng mã vẫn chu toàn vì sao chẳng biết?
Tôi nghỉ làm, triệu các chị đến liền
- “Khấn Sứ giả quên, nên gặp chuyện phiền…”
Vàng mã “sửa sai” hóa ngay sau đó
Vài ngày sau con trai tôi bày tỏ
- “Con lại gặp Bà, Bà…diện quá đi thôi!”
Bán tín bán nghi, sợ toát mồ hôi
Nhưng tin con, bé mà không biết sợ
“Gan liền tướng quân” bác “phong”cho nó
Trong sáng, hồn nhiên không thể nói sai
Cách mấy chục năm, nay xảy lần hai!
Nghĩ tới nghĩ lui không sao hiểu nổi!
-“Bà hợp Cháu và Anh…” bạn bè nói
- “Cụ thật linh thiêng, may mắn cho ông”
Nghe vẫn phân vân nhưng phải thuận lòng
Hai thế giới Âm Dương cùng tồn tại?
Chuyện thực trăm phần, trung thành ghi lại
Thời bốn chấm không(4.0)  e ngại viết ra…
Xin bạn bè và độc giả gần xa
Tin hay không cũng cho lời chỉ bảo!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm
* Mẹ tôi quy tiên lúc con trai tôi mới 6 tuổi, đến năm cháu lên 10 tuổi thì xảy ra chuyện này!
Tôi chưa hê xem bói toán, cúng bái cũng không tin có thần thánh ma quỷ nên phân vân quá chẳng biết ra sao cả!

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

DỪNG SẢN XUẤT TÁO QUÂN! Thơ. Lê Trường Hưởng

VTV chính thức xác nhận thông tin dừng sản xuất Táo Quân

DỪNG SẢN XUẤT TÁO QUÂN!

Ngừng sản xuất rồi mục Táo Quân!
Biết dừng đúng lúc tốt muôn phần
Diễn viên nhàm chán không còn thích
Kịch bản như nhau chẳng thấy cần
Sự thật phơi bầy e dính lỗi
Trắng đen làm rõ sợ vong thân
Ba mươi sáu chước…chuồn hơn cả
Tuyệt đối an toàn lại…khỏe quân!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm


SẮC MÀU VŨ TRỤ. Thơ. Lê Trường Hưởng

SẮC MÀU VŨ TRỤ

Tình yêu mang sắc mầu vũ trụ
Cây cỏ, con người và muôn loài muông thú
Cùng say sưa trong khúc nhạc tình yêu
Cả những vì sao xa xăm mới xuất hiện thêm nhiều
Thuộc giải Ngân hà, thuộc hệ mặt trời rực rỡ
Trong vũ trụ những gì sinh sôi nẩy nở
Là kết quả của tình yêu đôi lứa cùng loài
Đến với nền văn minh đang tồn tại bên ngoài
Chắc sẽ thấy tình yêu giống như trái đất?
Ôi vũ trụ mênh mông, bao la, bát ngát
Nhưng tình yêu còn mềm mại phủ lên trên!


L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm



Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

TỈNH LẠI. Thơ. Lê Trường Hưởng

TỈNH LẠI!

( Nhắn nhủ những cô gái nhẹ dạ cả tin ) 


Những lời mơn trớn, ngọt ngào

Đã lôi em đắm chìm vào cơn mê

Khôn ngoan, sắc sảo mất đi

Chân thành dối trá biết gì nữa đâu

Mưu mô đen tối rình sau

Tưởng lầm cư xử với nhau nghĩa tình

Họ yêu mỗi cái túi mình

Em mau tỉnh lại kẻo thành nạn nhân!



L.T.H.


NHẬN VƠ…ÁO DÀI! Thơ. Lê Trường Hưởng

Sợ gì mà Bộ VH-TT-DL nín lặng trước "áo dài bị nhận vơ"

NHẬN VƠ…ÁO DÀI!

Nhận vơ đến cả…áo dài rồi
Trắng trợn vô liêm sỉ quá thôi!
Nước lớn lập lờ sao xấu xí
Dân đông đánh lận thật là tồi
Đặc trưng Phụ nữ người ăn cướp
Nét đẹp hồng quần bạn nuốt trôi
Có phải muốn thành chi tộc Việt?
Chớ liều mà cố đấm ăn xôi!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm
Biến áo dài Việt thành 'phong cách Trung Quốc': Khác nào ăn cắp!



MÓN RƯƠI HÀ NỘI. Văn xuôi. Lê Trường Hưởng

MÓN RƯƠI HÀ NỘI

Con Rươi - Dân gian còn gọi với một cái tên khác: “Rồng đất”. Tên khoa học là Nereididae thuộc họ Giun nhiều tơ và nhiều chân (Polychaeta), rất đa dạng về loài, chủ yếu sống ở vùng nước lợ và các con sông hay có thủy triều lên xuống.
"Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm" âm lịch là mùa Rươi, bởi theo kinh nghiệm người xưa, ngày 20 tháng 9 và ngày 5 tháng 10 âm lịch sẽ là thời điểm rươi rộ nhất trong năm. Khi đó ở những cánh đồng vùng duyên hải ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, rươi nổi dày mặt nước. Dân Hà Nội đến mùa này đón mua Rươi đa phần chở từ Tứ Kỳ-Hải Dương về để chế biến món ăn sau cả năm thứ đặc sản này vắng mặt.
Rươi trông hơi…ghê ghê vì thuộc họ Giun cứ xanh xanh, tím tím, đỏ đỏ…lúc nhúc, nhớt nhớt cuốn vào nhau; Nhưng dưới bàn tay chế biến tài hoa của người Hà Nội đã thành những món ngon tuyệt trần rất dễ gây…nghiện.
Có vô vàn món ăn chế biến từ Rươi như Chả Rươi, Rươi sào củ Niễng, Rươi rang muối, Rươi kho niêu đất, mắm Rươi, nem Rươi và bây giờ lại có thêm…lẩu Rươi!
Lúc sinh thời, hàng năm cứ đến mùa là Mẹ tôi lại cho chúng tôi ăn hai món Rươi…nhớ đời đó là món chả Rươi và Rươi xào củ Niễng.
Tôi xin giới thiệu về hai món mà tôi ưa thích nhất này:
Chả Rươi là món ăn khá phổ biến, được nhắc tới đầu tiên trong các món ăn về Rươi bởi dễ làm, hương vị thơm ngon đặc biệt mà bất kỳ ai ăn vào cũng sẽ "nghiền".
Cách chế biến món ăn này thật đơn giản, người ta chọn loại rươi sâm, màu đỏ, con to, nhiều sữa của vùng nước lợ, sau đó “làm lông” bằng nước nóng rồi cho trứng, thịt băm nhỏ vào đánh nhuyễn, một chút ớt tươi và không thể thiếu vỏ quýt. Hỗn hợp này đem rán lên là đã có một đĩa chả rươi thơm ngon, béo ngậy. Chả rươi ăn kèm cùng rau mùi, húng thơm, chấm trong nước mắm pha chanh ớt đậm đà, quyện chút ớt cay và hạt tiêu bắc thơm lừng…
Rươi xào củ Niễng  Rươi “làm lông bằng nước sôi, để ráo. Thịt ba chỉ luộc sơ thái chỉ. Củ niễng bóc bỏ bẹ già, thái vát hoặc thái chỉ. Vỏ quýt, hành tây, lá gấc non tất cả rửa sạch thái chỉ. Hành hoa, Thì Là cắt khúc. Cho vỏ quýt, hành hoa và hành tây vào chảo mỡ phi thơm, rưới một chút nước mắm rồi cho rươi vào xào qua.  nhớ nhẹ tay không để rươi bị vỡ nát sau đó xúc rươi ra đĩa.
Để bếp cho thêm mỡ vào chảo và cho thịt ba chỉ vào rang cho cháy cạnh rồi cho củ niễng vào xào, có thể thêm một chút nước luộc thịt để chảo khỏi bị khô. Khi đồ xào gần chín thì cho rươi đã xào sơ vào đảo lẫn. Nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi tất cả nguyên liệu đã chín đều, đập trứng gà và cho hành hoa, Thì là cắt khúc vào khi trứng chín tới thì bắc ra bày ra đĩa rắc lá gấc non thái chỉ lên trên, trải thêm rau mùi lên trên, rắc chút bột tiêu và thưởng thức khi còn nóng. Món này sẽ đặc biệt ngon và phù hợp với gia đình cho những ngày đầu Đông.
Rươi Tứ Kỳ-Hải Dương, Củ Niễng Nam Trực-Nam Định được người Hà Nội cho “kết duyên” với nhau thành món Rươi xào củ Niễng ăn…quên chết như thế đó!
Đã 43 năm nay, từ khi Mẹ tôi về Tây phương cực lạc, tôi không được ăn món Rươi vì “Bếp trưởng” của tôi trông thấy Rươi là…hết vía!
Mùa này không hiểu sao “Bà chị” lại mua Rươi về làm cho tôi ăn món Chả Rươi và hỏi tôi rằng “Có đúng vị như ngày xưa Cụ làm không?” May thay, trước khi về với Tổ tiên, Mẹ tôi đã truyền dạy cho con Dâu rất chi tiết và con Dâu cũng tiếp thu rất đầy đủ!
- Đúng lắm! Đúng vị chả Rươi ngày xưa cụ làm! Ngon lắm!- Tôi nói như reo!
Cả hai chúng tôi đều…sướng!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm







Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

SỢ LẮM! Thơ. Lê Trường Hưởng

HLV Lê Thụy Hải: “Thầy Park hết bài và bắt đầu sợ thua quá rồi”

 SỢ LẮM!

Sợ lắm những ông giống…Hải lơ
Lưỡi không xương uốn chẳng ai ngờ!
Đổi thay suy nghĩ như…xoay bóng
Lật lại phát ngôn tựa…trở cờ
Đức kém tài hèn luôn thấp trí
Sức tàn lực kiệt vẫn thua cơ
Chê người sờ gáy mình xem thử
Đóng góp gì không đến hiện giờ?

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

CƠN MÊ. Thơ. Lê Trường Hưởng

CƠN MÊ

Khi người ta rơi vào trong cơn mê
Lý trí bị che mờ, chân đi lạc bước
Hậu quả xảy ra không sao lường trước
tuỳ từng người, tuỳ chìm đắm nông, sâu

Hồn vía lúc này chẳng biết bay đâu
Mọi giác quan hầu như đều tê liệt
như cái máy, làm những gì không biết
toàn theo người ta ấn nút, giật dây

Của cải, bạc tiền theo họ mà bay
nhưng vẫn tưởng thấy niềm vui, hạnh phúc
Có cô gái thật đớn đau, tủi nhục
vì trong cơn mê mất cái ngàn vàng

Có người đàn bà phẩm hạnh đàng hoàng
qua cơn mê chẳng còn đâu tiết hạnh
Có gia đình xẻ nghé tan đàn, hiu quạnh
vì cơn mê che phủ kín vợ chồng

Niềm đam mê ai chẳng sẵn trong lòng
biết giới hạn trong vòng tròn nghị lực
và biết đặt thật đúng nơi, đúng lúc
sẽ chẳng bao giờ thành được cơn mê

áp thấp tan chẳng thành bão mà về…
Rũ bỏ cơn mê, chợt như bừng tỉnh
vẫn thường thấy ở con người chân chính
nghị lực dồi dào, sáng suốt, thông minh

Mới hay, phải luôn rèn giũa chính mình!

L.T.H.


Ảnh minh họa sưu tầm

GIÁ XƯA…Thơ. Lê Trường Hưởng

GIÁ XƯA…

Giá xưa nhiều điện thoại cầm tay
Phương tiện giao thông sẵn máy bay
Kiều báo chuyện buồn đi lập tức
Trọng nghe tin dữ vội về ngay
Họ Vương đâu phải oan khiên gánh?
Nàng Thúy làm sao chịu đọa đầy?
Chìm nổi mười lăm năm tủi nhục...
Tiếc là chỉ có ở thời nay!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

PHIẾU MẪU ( XIẾU MẪU ) LÀ AI? Văn xuôi. Lê Trường Hưởng

PHIẾU MẪU ( XIẾU MẪU ) LÀ AI?

  Khi người anh hùng Từ Hải đã lập nên sự nghiệp lớn, chiếm cứ cả miền Giang Nam; Từ Hải muốn cho Kiều vui, thỏa nguyện việc ơn đền oán trả, liền truyền lệnh cho bắt bọn người trước kia làm hại Kiều như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc bà, Bạc Hạnh, Khuyển, Ưng... Và rước những người đã giúp đỡ, cưu mang thậm chí cứu mạng Kiều như vãi Giác Duyên và mụ Quản gia; Kể cả Thúc Sinh để Kiều phân xử.

Từ rằng: Ân oán hai bên
Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh.

Đầu tiên Kiều “xử” Thúc Sinh. Bị giải đến Thúc Sinh:

Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ giun
vì đã tưởng cầm chắc cái chết nào ngờ được Kiều tặng cho

Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là


Để đền ơn đã cứu Kiều ra khỏi Lầu xanh giúp Kiều trở lại làm người!
Tiếp theo:

Mụ già, sư trưởng, thứ hai
Thoắt đưa đến trước, vội mời lên trên
Dắt tay, mở mặt cho nhìn:
Hoa
Nô kia, với Trạc Tuyền, cũng tôi
Nhớ khi lỡ bước sẩy vời
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương

“Mụ già” ở đây là mụ Quản gia nhà mẹ của Hoạn Thư đã lén lo chăm sóc thuốc thang và khuyên nhủ Kiều nên đề phòng tâm địa độc ác của con người. Mụ Quản gia được sai theo dõi Kiều đã dấu việc Thúc Sinh lén gặp Kiều (Hoa Nô) nhân khi Hoạn Thư đi vắng!
Còn “Sư trưởng” chính là Giác Duyên; K
hi Kiều trốn khỏi Quan Âm Các của Hoạn Thư chưa biết đâu là nhà, đã được Giác Duyên cho nương náu ở Chiêu n Am. Sau này lại cứu mạng Kiều (Trạc Tuyền) khi Kiều không lối thoát phải tự vẫn ở sông Tiền Đường!
Kiều trao tặng
Nghìn vàng gọi chút lễ thường đền ơn cho hai người nhưng vẫn biết Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân. “Mụ Quản gia” và “Sư trưởng” được Kiều coi là hai “Phiếu mẫu”. Vậy “Phiếu mẫu” thực sự là ai?
Hóa ra Đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng một điển tích:
Hàn Tín (229 – 196 TCN) là người Hoài Âm, tỉnh Giang Tô. Ông là một danh tướng dũng mãnh, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là: “Nắm trong tay trăm vạn quân, đã đánh là thắng, ta thật không bằng Hoài Âm Hầu”. Khi về quê cai trị ông được phong là “Sở Vương”. Thuở hàn vi Hàn Tín là cậu bé mồ côi phải kiếm sống bằng nghề câu cá ở sông Hoài. Mùa Đông rét mướt không câu được cá nên rất đói khổ. Xóm chợ có bà Phiếu Mẫu kiếm ăn bằng nghề giặt đồ thuê, cũng nghèo khổ nhưng thương tình cậu bé đói khát nên thường chia cơm cho Hàn Tín ăn cùng. Tín lấy làm cảm động mà nói rằng:

"Tôi ngày sau công thành danh toại sẽ xin báo đáp".
Phiếu Mẫu hiền hậu trả lời: 

"Thấy ngươi đói khát nên chia sẻ miếng cơm giọt nước, mong gì báo đáp. Mà đàn ông như ngươi miếng cơm không có mà ăn thì nói gì quyền cao chức trọng ngày sau". 
Hàn Tín lấy làm hổ thẹn mà không dám qua Phiếu Mẫu nữa nhưng bà già đôn hậu thương người cùng khổ hàng ngày vẫn đặt cơm trước lều Tín. Người xóm chợ biết chuyện thường gọi đó là "Bát cơm Phiếu Mẫu".
Khi Hàn Tín đã công thành danh toại về quê tìm ngay “Phiếu Mẫu” đền ơn bằng nghìn vàng; Nên mới có câu “Bát cơm Xiếu Mẫu trả ơn ngàn vàng”.

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

TƯỞNG LẦM! Thơ. Lê Trường Hưởng

TƯỞNG LẦM! 

( Chuyện ngụ ngôn )

Mèo vồ được chú chuột to
lúc Chuột rời tổ, lò dò kiếm ăn
Mèo vờ nới lỏng hai chân
lim dim đôi mắt, chẳng cần chén ngay
Chuột tưởng mèo đã ngủ say
vùng chạy, chắc mẩm phen này thoát thân
Mèo thoắt chộp, kéo lại gần
tung lên, quăng xuống, mèo vần thoả thuê
Mèo cười đắc thắng, hả hê
buông ra rồi bảo: “ đi đi chú mày! “
Chuột chạy lảo đảo như say
Mèo vồ lại thả, vờn ngày càng hăng
chán chê mèo mới dùng răng
nhai ngon lành hết, no căng mèo nằm
Khổ thân chuột đã tưởng lầm
mèo hiền lại chậm, ăn nhằm gì đâu
Thấy mèo hãy tránh xa mau!
Đã là chuột phải nhớ câu chuyện này!


L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

BÀ BỌ TRƯỞNG…KHÓC! Thơ. Lê Trường Hưởng

BÀ BỌ TRƯỞNG…KHÓC!

Bà ngự tám năm chưa đủ sao?
Lệ rơi nuối tiếc đúng không nào
Xót do miễn nhiệm bay ngôi Bọ
Đau bởi không còn giữ chức cao
Con đẻ gặp may trao Ghế kịp
Em chồng thoát hiểm Khám không vào
Phác Ma (Pharma) tội nặng thành ra…nhẹ
Hay khóc vì sung sướng xiết bao?

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

PHIÊN BẢN COLLINA?(!) Thơ. Lê Trường Hưởng

PHIÊN BẢN COLLINA?(!)

Ngỡ ông phiên bản Cô li na (Collina)
Thể hiện không ngờ lại khác xa
Đứng sát mà như người…bị điếc
Kề bên lại giống kẻ…mù lòa
Hai bàn thắng đẹp không công nhận
Một quả phạt đền cố nghĩ ra
Sai sót quá nhiều trong trận đấu
Theo Voi ăn bã mía hay là…?

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

THẦN THÁNH VÀ CON NGƯỜI . Thơ. Lê Trường Hưởng

THẦN THÁNH VÀ CON NGƯỜI 

Các nhà ngoại cảm có khả năng kỳ diệu
thấy quá khứ hiện về, nhìn thấu tương lai

Tiềm năng phi thường của họ chẳng giống ai
gặp chuyện lạ trong đời đột nhiên phát lộ
hoặc tu luyện kỳ công nhiều năm mà có
hoặc bẩm sinh đã mang tư chất thánh thần

Họ cũng có họ hàng, ruột thịt, người thân
cũng ngủ, cũng ăn, cũng như người trần tục
cũng buồn bã, sướng vui, khổ đau, hạnh phúc…
nhưng khả năng siêu nhiên lại của thánh thần!

Khoa học ngày nay đã tiến bộ muôn phần
nhưng vẫn mông lung, không thể nào giải thích!
Mới hay con người có hai phần đối nghịch:
một là kẻ phàm phu, một lại thánh thần

Sống trên đời phải luôn tích đức, tu nhân
để nâng chất thánh thần, bớt đi tục tử
Ranh giới mỏng manh, vừa khó, vừa dễ giữ
Trước hết trong ta hãy hiện bóng con người!

L.T.H.


Ảnh minh họa sưu tầm



CÁCH GHEN CỦA HOẠN THƯ. Thơ. Lê Trường Hưởng

CÁCH GHEN CỦA HOẠN THƯ

Năm thê bảy thiếp tự do thôi!
Chính thất giấu êm lỗi nặng rồi!
Tra tấn tinh thần Sinh hoảng sợ
Nhục hình thể xác Thúy tơi bời
Đa mưu hầu hạ trong tư thất
Túc trí chép Kinh Phật một nơi
Bỏ mặc cho tình thù trốn thoát
Hoạn Thư ghen thế thật hơn người!

L.T.H.

 Ảnh minh họa sưu tầm



Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

NHẮN NGƯỜI…THIẾU VẢI! Thơ. Lê Trường Hưởng

NHẮN NGƯỜI…THIẾU VẢI!

Không quần thiếu áo lộ toàn thân
Một bước sang…Con thấy rất gần
Trở lại non cao là đúng chỗ
Quay về rừng thẳm hợp muôn phần
Tự do bầy biện nào ai cấm
Thoải mái phô ra chẳng kẻ ngăn
Nguyên thủy sống chung cùng động vật
Ở đây làm Nhộng đã…nhầm sân!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm






TRIẾT LÝ TÌNH YÊU .Thơ. Lê Trường Hưởng

TRIẾT LÝ TÌNH YÊU

Người ta đã yêu nhau
từ cái nhìn ban đầu
như thần giao cách cảm
nào ai biết vì đâu

Yêu không vì cái gì
hơn, thiệt chẳng nghĩ suy
vật chất không màng đến
tình yêu mãi duy trì

Yêu chỉ vì vật chất
tính toán kỹ được mất
chắc hợp rồi sẽ tan
vì tình đâu có thật!

Tưởng không mà lại có
khi yêu không vì nó
tưởng có mà lại không
khi tình yêu tan vỡ

Tình yêu cho sức mạnh
cũng mang đến bất hạnh
đùa cợt với tình yêu
khổ đau không thể tránh!

L.T.H.


Ảnh minh họa sưu tầm


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

NGHỀ GIÁO. Thơ. Lê Trường Hưởng

NGHỀ GIÁO

Nghề Giáo tạo ra được đủ nghề
Đồng bằng hải đảo đến sơn khê
Không thầy không thể làm nên được
Thiếu chữ thiếu theo cả mọi bề
Kiến thức dồi dào đầu sáng suốt
I Quy (IQ) số lớn chẳng u mê
Đều do người dạy truyền cho đó
Chăm học thành công chắc sẽ về

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm



 

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

GỬI CHÚ TẬP! Thơ. Lê Trường Hưởng

GỬI CHÚ TẬP!

Trông chú to con lại…nhỏ nhen
Không từ mọi thủ đoạn đê hèn!
“Lưỡi Bò” bất cứ đâu…thè liếm
“Chín đoạn” chỗ nào cũng…vẽ chen
Vớ bậy vốn sở trường chẳng lạ
Nhận xằng là bản chất nay quen
Vô liêm sỉ bất nhân hung bạo
Tập Cận…Ngưu* rất xứng cái tên!

L.T.H.

* Tiếng Hán Việt “Ngưu” là Bò, “Ngưu thủy” là Trâu




ĐƯỢC CHĂM. Thơ. Lê Trường Hưởng

ĐƯỢC CHĂM 

Biết bao người đàn ông
đều có ước muốn chung:
được chăm như đứa trẻ
thật hạnh phúc vô cùng!

- Sao anh không cạo râu?
- Kìa khuy áo lệch nhau!
- Đôi giầy sao lấm bụi?
- Cái gì vương trên đầu!

- Thịt, cá đã chán chưa?
   ăn gì để em mua?
- Ngủ đừng gối cao quá
đóng cửa tránh gió lùa!

- Hôm nay trời rét đậm
anh nhớ mặc cho ấm
ra đường sẽ lạnh hơn
kẻo ốm thì khổ lắm!…

Lời dịu dàng, khe khẽ
Như người chị, người mẹ
Chăm từng tí từng li
Hỏi còn gì hơn thế?

Đó mới là tình yêu
Hạnh phúc biết bao nhiêu
Người bạn đời thắm thiết
Chăm cho đủ mọi điều

L.T.H.




Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

LƯỠI BÒ…CHẦY CỐI. Thơ. Lê Trường Hưởng

Một lối chống chế vô trách nhiệm, không thể chấp nhận!
Trường dùng sách có ‘đường lưỡi bò’ vì không thể mở từng trang kiểm tra


LƯỠI BÒ…CHẦY CỐI

Bà Cối: Lưỡi Bò chỉ mấy giây
Làm sao ầm ỹ đến nhường này!
Ông Chầy: quyển sách nhiều trang thế
Xét duyệt cách gì hết được đây?
Bà Cối Hội Đồng trình độ lắm
Ông Chầy Đại Học giỏi giang thay
Ông Chầy Bà Cối đang Chầy Cối
Bà Cối ông Chầy…xếp xó ngay!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm



“XỰC TẮC”. Văn xuôi. Lê Trường Hưởng

“XỰC TẮC”

Người Hà Nội xưa có thói quen ăn đêm trước khi vào giấc ngủ hoặc để thức đêm làm việc, cờ bạc…
Có vô số món ăn đêm kể không xiết phục vụ nhu cầu này, nhưng món gây ấn tượng nhất đối với tôi đó là “Xực tắc”.
Giữa đêm khuya vắng, tiếng “Xực tắc” nghe giòn tan, đanh gọn, không ồn ào mà lại rất “nét”. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ người ta “phiên âm” tiếng phát ra từ “bộ gõ” là hai miếng gỗ ( hoặc Tre ) nhỏ; Nhưng sau tôi mới biết đó là tiếng Hoa “Xực tắc” có nghĩa là “ăn được”!
Thường thì xe “Xực tắc” do một người Tầu điều khiển, đậu ở một góc khuất nào đó; Một chú bé đen đúa, quần áo không biết mầu gì, đầu đội một chiếc mũ cà tàng chẳng rõ “chủng loại”, Tay gõ “Xực tắc” chân bước nhanh thoăn thoắt len lỏi vào khắp các ngóc ngách ngõ phố; Có khách gọi, nó dạ ran, bước nhanh đến nhận “đặt hàng” rồi cũng chỉ một loáng sau nó bê một bát đến hay một mâm vài bát, mỗi bát đều được úp vung bằng tôn hình nón, khói tỏa mùi thơm thật hấp dẫn. Khách xì xụp ăn nóng hôi hổi.
Cũng có vị khách ở trên gác hai, ngại xuống mở cửa, thòng dây buộc một chiếc rổ hoặc thúng nhỏ kéo “xực tắc” lên. Chú bé lại thoăn thoắt trong màn đêm đi nơi khác, áng chừng khách đã ăn xong chú bé quay lại gõ “Xực tắc” như báo hiệu, Khách lại thòng dây bát đũa kèm theo tiền xuống…
“Xực tắc” chính là Mì mằn thắn, rất khác với bún, phở hay với bất cứ món ăn có nước nào khác như cháo gà, cháo vịt, bún thang… Nó có nét đặc trưng riêng, một đặc sản lâu đời của người Hoa làm ăn sinh sống ở nước ta.
Thịt
Lợn, gan luộc, trứng, mì sợi, những viên mằn thắn là thịt băm bọc trong vỏ bột mì cán mỏng… Nước dùng trong vắt, ngọt mùi xắng xáo, thuốc nấu và thế nào cũng thoảng một chút hương vị riêng của món ăn Tầu tạo ra nét đặc trưng đó.
Có dễ đến trên nửa thế kỷ, đêm đêm tôi không nghe thấy tiếng “Xực tắc” trên phố phường Hà Nội. Nhưng càng ngày càng có nhiều hiệu, nhiều quán bán Mỳ mằn thắn.
Mỳ mằn thắn bây giờ vẫn rất ngon và đã được “Việt Nam hóa” hợp khẩu vị , hầu như không thấy mùi
xắng xáo, thuốc nấu
Không còn tiếng kêu nhưng nó vẫn là “Xực tắc”-Mỳ mằn thắn!

L.T.H.

Ảnh minh họa sưu tầm

LỄ CHÙA. Thơ. Lê Trường Hưởng

 LỄ CHÙA

Theo em, vãn cảnh lễ chùa
Vàng hương, hoa quả em mua mâm đầy
Gian chính diện cố len bầy
Em muốn chư Phật chứng ngay lòng thành?
Người đông, đứng chật xung quanh
Lầm rầm khấn vái chỉ mình biết thôi
Em cầu hạnh phúc trọn đời
Thắm nồng, khăng khít chẳng rời xa nhau
Tóc sương đã điểm mái đầu
Vẫn còn son sắt mãi câu hẹn thề
Lễ xong thanh thản ra về
Thấy em hy vọng tràn trề mà vui
Anh cầu mong những nụ cười
Luôn luôn nở rộ trên môi em hồng

 L.T.H.