Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

NHÀ THƠ THỢ RÈN. Văn xuôi. Vũ Từ Trang ( Báo Tiền Phong )

NHÀ THƠ THỢ RÈN...RÈN "CHUYỆN LỚN CHUYỆN NHỎ"

06/09/2008 | 14:03 

TP - Tên thật của ông là Phạm Văn Huyến, bút danh Thợ Rèn có từ những năm về công tác ở báo Nhân Dân. Đấy là năm 1955, báo mở chuyên mục “Chuyện lớn... chuyện nhỏ” mà ông và ông Như Phong được coi là những người khai sinh ra.

Cái chuyên mục chiếm vị trí khiêm nhường trên trang báo, nhưng nó đã có tác dụng rất lớn với bạn đọc và xã hội. Tuy chỉ là những lời châm biếm, nhắc nhở, phê phán nhẹ nhàng thói hư tật xấu của xã hội bằng những vần thơ giản dị và hóm hỉnh, vậy mà đã ăn sâu vào tâm trí độc giả và ảnh hưởng tới công chúng rộng lớn.
Nhiều người hăm hở chờ đợi, lại không ít kẻ kinh sợ những vần thơ này. Phải nói, qua chuyên mục mà ông đã dốc tâm làm việc một thời gian dài, thì thêm thấy tác dụng của văn chương, báo chí là không nhỏ.
Ông chả nhận ông là nhà thơ, nhà văn mà chỉ khiêm nhường thấy mình như người bạn, người anh, người thợ rèn cần mẫn cùng mọi người rèn rũa cái sai, cái tật xấu của mình, của mọi người, của xã hội; để mình, mọi người, và xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Tôi thật bất ngờ khi biết trong thời gian làm chuyên mục “Chuyện lớn... chuyện nhỏ”, nhà thơ Thợ Rèn đã sáng tác hàng nghìn bài thơ. Đó là sức làm việc nghiêm túc và thiện tâm đáng trân trọng.
Trước ông, đã có nhiều người viết thơ châm biếm, đả kích thói hư tật xấu của xã hội. Nhắc tới họ, phải kể đến tên những bậc kỳ tài như Tú Xương, Tú Mỡ...
Không dám so sánh với tiền nhân, ông chỉ nhận mình như một người làm văn nghệ quần chúng. Ông  từng tâm sự : “Văn học với tôi là  khó quá. Mãi sau này tôi mới biết đó là viết phục vụ nhiệm vụ chính trị kịp thời. Ý thức về sáng tạo, tận thiện, tận mỹ là còn xa vời với tôi ”. Ấy là ông nói khiêm nhường thôi. Nếu nói tới mảng văn học với đề tài châm biếm, đả kích, xây dựng, không thể không nhắc tới nhà thơ Thợ Rèn.
Tôi nhớ một cái Tết Nguyên đán không xa, theo thói quen của người đọc, mở trang báo tết ra, nhiều người tìm  ngay  mục “Chuyện lớn...chuyện nhỏ ” để đọc nhà thơ Thợ Rèn. Ấy vậy, không hiểu sao số báo tết ấy lại không có thơ của ông.
Nhiều độc giả đã gửi thư về Ban biên tập hỏi có phải nhà thơ bị ốm, hay thơ ông phê “nặng” quá, báo không in được? Quả thật Tết năm ấy ông bị ốm, nên không viết kịp. Nghe chuyện này, khi đỡ mệt, dù vẫn phải dùng thuốc bệnh, ông  đã vùng dậy  viết để đáp lại lòng mến mộ của bạn đọc gần xa. 
Lại có một dạo, bài thơ  “châm” của ông đã được in trên báo tết rồi, ấy mà  nhiều người còn phô-tô lại để làm quà tết tặng người thân. Bài thơ ấy, bây giờ đọc lại vẫn thấy tâm tình xây dựng chân tình của ông

Nên chăng có vài câu phản chúc
Cho rõ ràng xanh, lục, trắng, đen
Không chúc loại người hiền cổ lỗ
Ngồi trên tòa rụt cổ khoanh tay
Lập trường thịt bụng bầy nhầy
Đằng đông cũng gật, đằng tây cũng ừ...

Ta càng chán anh “ đồ mắc xít”
Đầy một mồm toàn đít xì cua
Tinh thần lý luận có thừa
Gạo chiêm chẳng biết, gạo mùa chẳng hay
Càng chán ngắt những tay đơm đó
Hóng lập trường đón gió che phên
Phấn son phủ cái mặt hèn
Vì dân thì ít vì trên thì nhiều.
 

Thái độ phê phán thói hư tật xấu trong xã hội của ông rất quyết liệt, nhưng sâu thẳm tấm lòng ông lại là sự yêu thương đến xót xa. Trong một bài thơ Tết Mậu Dần (1998) ông viết:

Bút nghiên một kiếp phên che gió
Sự nghiệp trọn đời hít mía voi
Tượng vỡ mới hay toàn đất sét
Bão to đa đổ hết bình vôi

Nhân nói về việc xem múa rối nước, ông đã cảm thán sự đời mà đại văn hào Banzắc đã từng dựng bộ sách “Tấn trò đời” Banzắc trò đời nghìn trang sách. Bây giờ dối giả chỉ vài giây! thì tôi hiểu thêm tâm thế ông trước cuộc đời và tôi cũng hiểu thêm lý do gì mà ông mãi dùng ngòi bút để theo đuổi mảng thơ ca châm biếm và xây dựng như thế.
***
Ông sinh ra trong một gia đình nho học không thành đạt trong trường ốc. Cụ thân sinh ra ông đã bỏ khoa thi chữ Hán, về học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, rồi đi dạy học và bốc thuốc.
Là người con hiếu học, trong môi trường ấy, ông đã kế truyền được cả tinh hoa của Nho học và Tây học. Vì thế, thơ văn của ông vừa có chất cổ kính của Đường thi, vừa có nét duyên dáng của ca dao tục ngữ, vừa có chất lãng mạn của thơ Pháp.
Chuyên mục “Chuyện lớn... chuyện nhỏ” mà ông phụ trách đã thu hút được sự chú ý của đông đảo bạn đọc cũng bởi lối viết  phê phán vừa sắc sảo, vừa  hóm hỉnh, vừa chân tình.
Vốn là người lịch thiệp và quảng giao, căn phòng gác hai trong ngôi nhà biệt thự nhiều hộ ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) của ông trở thành nơi gặp gỡ các văn nghệ sỹ.
Thời ông Nguyễn Tuân còn sống, nhà văn vang bóng này thường chống ba-toong lên cầu thang, gõ cửa phòng vào thăm ông. Ông Thợ Rèn bao giờ cũng để dành những chai rượu quý để tiếp bạn.
Dạo đó, ông còn có người anh ruột, làm chủ một nhà hàng và một khách sạn sang trọng bên Pa- ri, thường gửi rượu và thuốc lá ngon về cho ông em. Có rượu và thuốc lá ngon, là ông lại nhắn mời bằng được các bạn văn đến thưởng thức cùng.
Cạnh nhà ông dạo đó còn có nhà văn Kim Lân, nhà văn Tô Hoài. Ông Kim Lân dáng người nhỏ, sành uống trà Tầu,  nhưng cũng thích  ăn kẹo vừng, kẹo bột, uống nước nụ vối ủ nóng.
Ông Tô Hoài khi nhấp ngụm rượu thường ngồi yên lặng, thỉnh thoảng miệng cười tủm, ánh mắt nhìn hoang vắng. Lại còn bao họa sỹ cũng thường lui tới căn phòng này. Đấy là ông Linh Chi, ông Sỹ Ngọc, ông Nguyễn Thụ... Lại có cả cụ lang Bách, nhà thư pháp nổi tiếng, đi bộ từ phố Tràng Tiền đến trao tặng ông bức thư pháp  thể hiện lời răn của cụ Khổng Tử.
Đã mười mấy năm rồi, bức thư pháp viết bằng mực Tầu trên giấy bạch vân, lồng kính, vẫn treo trang trọng trên tường. Tôi đã nhiều lần ngắm mà không biết chán bức tranh ông Linh Chi tặng nhà thơ Thợ Rèn.
Tôi không rõ bức tranh có tên gọi là gì, chỉ biết những cây đang vươn lên đón nắng, mà cái nắng cứ vàng tươi , quấn quýt, ngây ngất làm sao, cảm nhận thấy sự sống thật kỳ diệu, ước vọng con người thật cao sang, và khơi gợi cho tôi ý nghĩ dù ở đâu thì con người cũng phải vươn lên mà sống.
Nghe kể, thời nhà văn Nguyễn Khải còn ở Hà Nội, cũng thường hay lui tới thăm ông. Hai người chênh nhau bảy tuổi, vậy mà lại rất tri kỷ. Từ ngày ông Nguyễn Khải theo gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống, ông Thợ Rèn cũng thêm buồn vì xa bạn.
Hàng năm Tết đến, ông Nguyễn Khải vẫn thường gửi thiếp chúc mừng năm mới đến ông Thợ Rèn. Tôi chỉ là bậc con cháu, nhưng đã đôi  lần được ông cho xem những tấm thiếp chân tình ấy.
Đấy là những hàng chữ nắn nót, lời lẽ  thân mật, nhà văn Nguyễn Khải luôn xưng em và gọi nhà thơ Thợ Rèn bằng anh, khi cả hai ông đã qua ngưỡng tuổi thất thập cả rồi. Chỉ bằng nghĩa cử nho nhỏ vậy thôi, cho tôi cảm nhận  tình bạn của các ông thật cao trọng.
Con người thường lo những  “việc lớn” của xã hội, vậy mà ông lại biết tạo những niềm vui nho nhỏ trong đời thường. Thời còn khỏe, ngày nghỉ, ông thường chăm chút khóm hồng và mấy cây cảnh trồng trong chậu sứ đặt ở ban công.
Cây hồng cũng không phải xum xuê gì lắm,  nó thường khiêm nhường nở một hai đóa hoa cánh thắm  trước cái khung trời xanh mướt tán cây cổ thụ của đường phổ cổ, đem đến cho ông những niềm vui thanh tao…
Năm 2006, ông đã được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Theo cách mạng từ tuổi còn xanh, hòa bình được phân về công tác ở báo Nhân Dân, lại là người tham gia khởi xướng chuyên mục quan trọng trên báo, khi nghỉ hưu, ông vẫn chỉ là một chuyên viên bình dị.
Có dạo, anh em viết lách thấy ông ăn vận áo quần rất diện, cưỡi xe  máy Pô-giô đi làm (dạo đó, trong giới nhà văn chỉ có ông Nguyễn Đình Thi cũng đi loại xe máy sang trọng này !), hỏi ra mới biết xe và quần áo do người anh ở bên Pháp gửi về.
Thời ấy, xã hội còn xoi mói, nhiều người phải giấu biệt chuyện có người ruột thịt đang sống ở các nước phương Tây, sợ liên lụy. Với ông Thợ Rèn thấy chả có gì phải giấu diếm cả. Việc ai nấy làm, chả có gì phải khuất tất, ông cứ thẳng băng mà sống.
Ngày ông anh ruột của ông từ Pháp về thăm cho ông niềm vui khôn tả. Thì ra ông anh cũng là người cơ sở của ta. Sau thời gian về thăm tổ quốc,  người anh trở lại Pháp, liền bị ám sát . Cái chết đột ngột của người anh ruột xa xứ, là nỗi buồn khó khỏa lấp trong tâm khảm ông…
Tuổi già sầm sập  đến khi nào không hay. Như linh cảm thấy cõi hư vô đang đến với mình, năm 1998, ông đã viết bài thơ “Dặn lại”, như một di chúc viết trước. 

...Kiếp phù sinh có đậu, có bay
Lễ tang xin chớ đặt bày
Quàn trong nhà lạnh vài ngày rồi thiêu
Tin báo tang đừng nêu chức tước
Huân huy chương cũng khước không đăng
Lọ tro chờ hết ba trăng
Đem về vùi ở nghĩa trang quê nhà...

Từ đâu rồi sẽ về đâu
Có ai tránh được qua cầu tử sinh
Cuộc nhân thế thường tình là thế
Kiếp phù sinh hồ dễ quên sinh

Một chiều hè mới đây tôi đến thăm ông. Chợt thấy chạnh lòng. Một người tinh anh, thông tuệ và hóm hỉnh độ nào, nay đành nằm bất lực lúc tỉnh lúc mê, vì trận ốm tai biến não. Thế là ông nhớ nhớ quên quên mất rồi*.
Nhưng có điều lạ, là khi Thi, người con gái của ông đọc hỏi lại ông mấy câu thơ trong bản thảo  bị nhòe chữ, mắt ông chợt sáng bừng lên và trả lời rất chính xác.
Thơ ca có phải là liều thuốc kỳ diệu với con người không? Hay ít ra, nó có sức mạnh kỳ ảo với tâm hồn nhà thơ? Sự sống trong gian phòng ấm cúng và sang trọng của sự hội ngộ, đàm đạo văn chương nghệ thuật của ông và các bạn văn, như đã bị đảo lộn. Khóm hồng bên ban công không còn thấy trổ bông nữa…

8/2008

Vũ Từ Trang (Báo Tiền Phong)

* Nhà thơ Thợ Rèn đã mất ngày 13-9-2009 tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét