NGÀY NÀY NĂM XƯA...
Ngày này năm xưa, tức là cách đây đúng 68 năm, tôi chỉ là một cậu bé mới 13 tuổi. Ở cái tuổi ấy làm sao tôi biết được về chính trị, về thời cuộc? Nhưng càng gần đến ngày 10 tháng 10, ngày tiếp quản Thủ Đô ( sau này tôi mới biết ), tôi thấy khác lắm. Tôi cảm thấy cứ ong ong, cứ như sắp bùng ra một cái gì đó. Trại lính ở Nhà Diêm ( sau là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, hiện nay là Tháp đôi siêu thị VINCOM, phố Bà Triệu ) lính Tây, lính ta cứ ít dần. Lính Tây da đen có vẻ được ra phố nhiều hơn và thân thiện hơn với dân chúng. Họ thường kéo nhau ra mấy quán ở phố Thể Dục ( nay là phố Lê Đại Hành, sát cạnh làng Vân Hồ của tôi ) ăn uống, ca hát. Có anh, chắc đã ngà ngà say vừa khóc vừa nói câu tiếng Việt lơ lớ:
- Sap đuoc ve nha roi...
Có một anh tên là Be hay Bi gì đó, cứ thấy thằng Quang bạn tôi là ôm chầm lấy nó vừa khóc rưng rức, vừa hôn lấy hôn để:
- Ô! con sai (trai)! Ô! con sai (trai)!
Hoá ra thằng Quang có nước da "xi xì đèn" ( chẳng hiểu sao, chứ bố mẹ nó trắng lắm! ) chắc hao hao giống con anh ta, nên nhìn thấy nó, anh lại nhớ đến con...
Ngay cả anh lính Tây trắng vẫn áp giải một người tù "Việt Minh" vào làng tôi giặt giũ ( làng tôi hồi đó không kể hồ Bẩy Mẫu, có đến ba, bốn cái ao rất to ) cũng tỏ ra hiền lành, thỉnh thoảng còn đưa bi đông nước cho "ông Việt Minh" uống, không thấy "mẹc xà lù" nữa.
Đặc biệt là người lớn có vẻ bí mật lắm, thỉnh thoảng vài ba ông lại chụm đầu vào nhau thì thào câu gì đó, khi bọn nhóc chúng tôi đến gần là họ lại im bặt hoặc cười nói như không!
Một buổi chiều, khi tôi đang vắt vẻo trên cây ổi trong vườn thì Quang và Dậu là hai thằng bạn thân của tôi hồng hộc chạy vào nói qua hơi thở :
- Có cờ!...có cờ!...
- Cờ gì? ở đâu? - tôi vừa hỏi vừa nhảy phắt xuống chạy theo hai đứa ra chỗ đường làng.
Theo tay chỉ của Quang, tôi nhìn thấy 1 lá cờ đó sao vàng to, treo trên cột đèn ở đầu hồi Nhà Thông Tin ( của Pháp, cạnh trường Vân Hồ bây giờ ), đang bay phần phật trước gió, cách nhà tôi chỉ khoảng hơn trăm mét. Bọn tôi định chạy ra tận nơi xem, nhưng mẹ tôi không cho, vì ngay dưới lá cờ có treo lủng lẳng một quả...lựu đạn! Mấy ông Cảnh Binh lượn lờ dưới chân cột đèn nhìn lên rồi...lỉnh, không ông nào dám trèo lên gỡ lựu đạn và hạ cờ!
Đến sáng hôm sau tôi không thấy lá cờ ấy nữa, nghe nói quả lựu đạn ấy là lựu đạn...giả. Dân làng tôi cứ rì rầm truyền tai nhau phục sát đất các ông Việt Minh xuất quỉ nhập thần, treo được cờ giữa ban ngày ban mặt lại còn treo cả lựu đạn giả, doạ bọn nó hết hồn.
Đến một đêm, tôi bỗng thức giấc, nghe thấy tiếng ba, mẹ tôi thào thào nói chuyện, tôi nghe thấy tiếng ba tôi nói:
- Thằng cả nó sắp về...
Sau đó ba mẹ tôi còn nói chuyện lâu lắm, nhưng nhỏ quá tôi không nghe được, vả lại thấy nói anh cả tôi sắp về là tôi sướng mê đi, tưởng tượng ra bao nhiêu thứ, chẳng muốn nghe gì nữa.
Thực tình tôi không thể nhớ mặt mũi anh cả tôi thế nào, vì khi anh gia nhập Vệ Quốc Quân, đi Kháng Chiến tôi mới bốn tuổi. Nhưng theo mẹ tôi nói ( sau này tôi mới thấy đúng là như vậy chứ không phải "con hát mẹ khen hay" ) thì anh cả tôi cao to, đẹp trai "trông như Tây", anh tôi học rất giỏi, đã học hết hết Tú Tài, tiếng Pháp nói lầu lầu. Anh học ở trường Tây, được một thầy giáo tốt bụng người Pháp yêu lắm, coi như con, tìm mọi cách che chở cho anh tôi khỏi bị đuổi vì cái tội coi bọn Tây con như rơm rác, và tội...hoạt động cách mạng.
Tháng 8 năm 1945 cách mạng thành công, anh tôi gia nhập Vệ Quốc Quân " xếp bút nghiên lên đường tranh đấu " đi kháng chiến chín năm. Thời kỳ đầu Đất nước rất khó khăn, thiếu thốn, khi giành được chính quyền, ngân khố Quốc Gia chỉ có 1 triệu đồng tiền Đông Dương...rách. Bởi vậy các gia đình đều tự trang bị cho con em khi vào Vệ Quốc Đoàn. Ba mẹ tôi đã "trang bị đến tận răng" cho anh cả tôi : quân phục, vũ khí, lương thực và cả tiền, vàng mang theo. Mẹ tôi kể lại rằng anh cả tôi mặc quân phục vào trông oai lắm, đi một thời gian ngắn đã được lên ngay cấp chỉ huy. Thế là tôi tưởng tượng ra ông anh mình cao to, khoẻ mạnh trong bộ quân phục cắt rất đẹp bằng Ka Ki Mỹ, đầu đội mũ Ca lô có gắn ngôi sao vàng, chân đi ghệt tới đầu gối. Xệ một bên hông là khẩu "Côn bát", hông bên kia lủng lẳng một thanh kiếm dài. Có lúc tôi lại còn tưởng tượng anh cả tôi ở trên rừng núi chắc là phải cưỡi một con ngựa Xích Thố to cao không kém gì chủ...
Thế rồi cái ngày ấy cũng đã đến, ngày 10 tháng 10 năm 1954. Chưa bao giờ tôi thấy Hà Nội đẹp thế, rực rỡ thế. Rợp trời là cờ đỏ sao vàng và các băng khẩu hiệu vải đỏ, chữ vàng chăng khắp các phố phường.
Tôi và bốn thằng bạn thân của tôi: Quang, Dậu, Phúc, Ngạn í ới gọi nhau từ sớm. Mỗi đứa cầm một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ, thằng Phúc lại đưa cho mỗi người mấy bông hoa giấy rất đẹp, trông cứ như thật
( nhà nó có nghề làm hoa giấy ). Mẹ tôi chuẩn bị cho tôi 1 gói xôi to tướng cùng với bao nhiêu giò chả. Bọn bạn tôi cũng mang theo lỉnh kỉnh những bánh trái...
( nhà nó có nghề làm hoa giấy ). Mẹ tôi chuẩn bị cho tôi 1 gói xôi to tướng cùng với bao nhiêu giò chả. Bọn bạn tôi cũng mang theo lỉnh kỉnh những bánh trái...
Năm chúng tôi hăm hở lên đường. Tôi hy vọng và nóng lòng muốn gặp được anh cả tôi, thần tượng của tôi. Bốn thằng bạn tôi cũng vậy, bọn nó đều không có anh trai, chỉ có các chị gái và em trai, em gái. Nghe tôi kể chuyện, chúng nó cũng mê anh cả tôi lắm và bảo tôi rằng:
- Mày cho chúng tao chung...anh mày với
- Đồng ý ngay! anh tao cũng là anh chúng mày - tôi nói
- Ngộ nhỡ anh cả mày không đồng ý thì sao? - Thằng Phúc hỏi, cả bọn ngớ người ra.
- Chắc chắn là anh cả tao đồng ý, vì khi còn ở nhà, anh tao quí tao lắm, toàn dắt tao đi chơi. Có khi đi câu cá ở hồ Bẩy Mẫu anh tao cũng mang tao đi theo - tôi nói.
Cả bọn hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi đi dọc theo phố Huế, lên Bờ Hồ, qua Hàng Gai, Hàng Bông, đến đường Điện Biên Phủ. Tôi có cảm giác như cả Hà Nội đổ ra đường đón đoàn quân chiến thắng trở về. Trong không khí tưng bừng, đoàn quân trùng điệp rầm rập tiến qua, tiếng hò reo, tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu không ngớt.
Tôi vừa vẫy cờ hoa vừa chăm chăm nhìn những anh có vẻ là cấp chỉ huy xem có anh cả tôi không ( buồn cười là lại không nhớ mặt! ).
Bọn bạn tôi cũng khá "ma lanh", chúng bảo nhau rằng cứ nhìn mặt anh nào cấp chỉ huy giống...cái mặt tôi thì chắc đấy là anh cả tôi!
Thế rồi đơn vị cuối cùng cũng đã đi qua vào tập kết ở quảng trường Ba Đình. Bọn trẻ chúng tôi không được vào, chỉ được đứng ở đường Điện Biên.Buổi lễ kết thúc, các đơn vị bộ đội về doanh trại đã định, mọi người cũng hồ hởi về nhà. Năm thằng chúng tôi tìm 1 gốc cây râm mát ngả các thứ ra ăn uống no nê, sau đó vào các doanh trại bộ đội tìm anh cả tôi, theo ý kiến của thằng Quang "Tây đen".
Chúng tôi lần lượt vào mấy doanh trại gần đấy, sau đó ra cả Đồn Thuỷ ( bây giờ là Bệnh viện trung ương quân đội 108 ). Ở đâu chúng tôi cũng được các anh bộ đội đón tiếp rất niềm nở, cho chúng tôi uống nước ( có nơi định mời ăn cơm ). Các anh có vẻ ái ngại nhìn chúng tôi và hầu như có câu trả lời giống nhau là không phải đơn vị nào cũng về tiếp quản Thủ Đô, rằng anh cả tôi có khi được giao nhiệm vụ gì đó, rằng cứ yên tâm, chắc chắn anh cả tôi xong nhiệm vụ sẽ về...
Chiều tối ngày 10 tháng 10 năm 1954 chúng tôi về tới nhà, nghe các anh bộ đội nói thế chẳng đứa nào thấy buồn cả.
Mãi tới vài năm sau ngày tiếp quản Thủ Đô anh tôi mới về. Thì ra sau chiến thắng Điện Biên, anh tôi được cử ngay ra nước ngoài đào tạo về kỹ thuật quân sự...
Lúc đó, đầu óc thơ bé của tôi nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt. Nào ngờ một cuộc chiến tranh mới đang âm ỉ rồi dần dần bùng ra, ngày càng khốc liệt, kéo dài đến tận năm 1975 mới kết thúc, và chính tôi cũng đã phải tham gia vào cuộc chiến tranh này...
L.T.H.
Ảnh minh họa sưu tầm



Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét