Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

XÓT CON. Thơ. Lê Trường Hưởng

XÓT CON!

 

“Yêu cho vọt…” phải…biết dùng roi

Giơ để dọa sao…quất một hồi?

Sung sướng khi trai dừng nghịch dại

Hài lòng lúc trẻ hết mê chơi

Cá ăn muối vậy tươi nguyên Cá

Người biết nghe nên vẹn mẫu Người

Khi tuổi hạc bồi hồi nhớ lại…

Xót con nhưng chuyện đã xong rồi!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm

CHỦNG MỚI OMICRON! Thơ. Lê Trường Hưởng

 CHỦNG MỚI OMICRON!


Bỗng nhiên xuất hiện  Ô Mi Crôn!

Biến thể sinh ra cứ dập dồn

Lây nhiễm Đen Ta…đâu sánh được

Tử vong chủng mới…đã nhiều hơn

Vắc Xin hiện có như…vô hiệu

Thuốc uống đang dùng cũng…hết son

Thế Giới ong đầu tìm cách chống

Lo thay Cô Vít vẫn…trường tồn!

 

L.T.H.

Virus càng lây lan càng có cơ hội biến đổi để tạo ra biến chủng mới (Ảnh: Reuters).

CHẲNG THỂ LUI! Thơ. Lê Trường Hưởng

CHẲNG THỂ LUI!

 

Giáo Dục làm sao cứ…giật lùi

Càng ngày càng lắm chuyện không vui

Giáo khoa biên soạn nhiều…bê bối

Phương pháp giảng bài cứ…tối thui

Đề xuất bỏ đi “Tiên học Lễ…”

Thấy ngay đạo đức bị chôn vùi

Cái hay cái đẹp xưa truyền lại

Truyền thống giữ gìn chẳng thể lui!

 

L.T.H. 

Hình minh họa sưu tầm

NHÀ VĂN LÊ KIỀU…Thơ. Lê Trường Hưởng

 NHÀ VĂN LÊ KIỀU…


Nhà Văn Lê Kiều-người sang
Dại gì mà chẳng bắt quàng…họ đây?
Am tường Kim Cổ Đông Tây
Cả Thiên văn, Địa Lý này đều thông
Sĩ phu giữ mãi trong lòng
Tình yêu tha thiết Thăng Long không rời
Áng văn viết thật tuyệt vời
Ngợi ca cảnh vật con người nơi đây
Cầm Kỳ Thi Họa mê say
Lời bình những kiệt tác này đẹp sao!
Tài năng trình độ bậc cao
Dành cho Tiếng Việt xiết bao là tình
Chỉ ra chữ nghĩa phân minh
Cái hay cái đẹp người mình rõ thêm
Chín mươi thấp thoáng bên thềm
Càng yêu đời với nỗi niềm khát khao
Vẫn như sống lại thuở nào
Thanh xuân tươi đẹp hiện vào câu Văn
Chúc ông mạnh tay khỏe chân
Cùng Thăng Long tiến đến gần Bách niên!

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm

 

LÀM SAO? Thơ. Lê Trường Hưởng

Dịch COVID-19 ở Nhật Bản suy yếu một cách đột ngột, bí ẩn và được các học giả giải thích có thể là do virus "tự hủy diệt".


CÁCH GÌ?
 

Làm sao Nhật Bản hết Cô Vi?
Họ đã nghĩ ra được cách gì?
Biến chủng Đen Ta đành…tự hủy!
Dịch trên đất nước phải…tàn suy!
Vắc Xin nghiên cứu hàng chuyên biệt?
Thuốc trị thành công loại lạ kỳ?
Hy vọng nhen lên toàn thế giới
Thông minh bậc nhất chẳng ai bì!

 

L.T.H.

Từ bờ vực của thảm họa Nhật Bản đã đối phó thành công với Covid-19 (Ảnh baotintuc.vn)

ĐÀN XÃ TẮC! Thơ. Lê Trường Hưởng

 ĐÀN XÃ TẮC!

 

Đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa

Qua “Đàn Xã Tắc” xa xưa lâu rồi

Con trai Thái Tổ lên ngôi

Thái Tông-Lý Phật Mã thời cho xây

Một không ba tám(1038) năm này

Xong rồi Vua vẫn ra đây tế Thần*

“Vành đai 1” lại rất cần

Không đường tránh khác, chừa phần này ra

Giữ gìn đến tương lai xa

Người sau khai quật để mà hiểu thêm

Hà Thành đường xá đan xen

Bảo tồn Lịch sử thật phiền phức thay!

Nhưng không tránh được chuyện này

Vấn đề là kiếm cách hay mà làm!

 

L.T.H.

* Đàn Xã Tắc tế lễ  Hậu Thổ (Thần Đất) và Thần Nông (Thần Ngũ Cốc), những vị thần quan trọng của sản xuất nông nghiệp để cầu cho nhân dân no ấm, mùa màng bội thu. Việc lập đàn Xã Tắc đã thể hiện chính sách quốc thái, dân an của triều đình nhà Lý.

Hà Nội vẫn đang tìm phương án tốt nhất bảo vệ Đàn Xã Tắc ( Ảnh Dân Trí )

TÁM THÁNG MỚI GẶP NHAU! Thơ. Lê Trường Hưởng

 TÁM THÁNG MỚI GẶP NHAU!

 

Tám tháng Hàn Thuyên mới gặp nhau!

Cô Vi lơ lửng ở trên đầu

Hai ông nằm ở vùng phong tỏa

Vài bác ngồi nhà chẳng đến đâu

Tay bắt mặt mừng đầy cảm động

Nói điều thân thiết ngập tình sâu

Nhận nhiều Ấn phẩm rồi lui bước

Chẳng biết bao giờ mới gặp nhau!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm


GIÁO DỤC HIỆN NAY…Thơ. Lê Trường Hưởng

Ngay từ năm 1981, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạmThủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Phải xây dựng trường ra trườnglớp ra lớpthầy ra thầytrò ra trò, dạy ra dạy, học ra học.”.

GIÁO DỤC HIỆN NAY…


Thầy Trò Trường Lớp đã…ra rồi

Giáo Dục còn nhiều chuyện quá thôi

Sách soạn thường xuyên cha…nhặt sạn

Tiền thu liên tục  mẹ…kêu trời

Thực hành quá ít làm không được

Lý thuyết từng chồng nuốt chẳng trôi

Độc lập tư duy nào có được?

Nhìn chung chất lượng thấy…hơi tồi!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

 

THƯƠNG VỢ…Thơ. Lê Trường Hưởng

 THƯƠNG VỢ…

Đàn bà như hạt mưa sa
Hạt vào lầu tía hạt ra cánh đồng.
( Ca dao )

Thương vợ không may lấy phải tôi!

Hạt mưa rơi xuống cánh đồng rồi!

Đồng lương ít ỏi tùy xoay xở

Bổng lộc O tròn chắt bóp thôi

“Trong sáng” mà đời đâu khỏi…tối

“Thanh cao” lại sống mức hơi…tồi

Không vào lầu tía đầy sung sướng

Thương vợ không may lấy phải tôi!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

BÌNH TĨNH TỰ TIN! Thơ. Lê Trường Hưởng

Thần Đồng tiên tri Ấn Độ đưa ra dự đoán mới: 7 cuộc khủng hoảng ập đến đỉnh điểm 10/12


BÌNH TĨNH TỰ TIN!

 

A Nan ( Anand ) Ấn Độ một thần đồng

Tiên đoán nào ai biết đúng không

Thế giới sẽ nhiều cơn khủng hoảng

Toàn cầu rồi đại dịch quay vòng

Tháng mười hai tới đầy nghi ngại

Năm hết nhiều câu chuyện đắng lòng

Bình tĩnh tự tin cùng đón đợi

Chung tay “giải mã” ắt thành công!

 

L.T.H.

Thần đồng Ấn Độ Abhigya Anand ( Ảnh sưu tầm )


CHIẾN TRANH COVID-19! Thơ. Lê Trường Hưởng

CHIẾN TRANH COVID-19!

 

Đại Dịch khác gì cuộc chiến tranh?

Cướp đi bao mạng sống dân lành

Gia đình tan nát không sao cưỡng

Xã hội phân ly cũng phải đành

Thế giới gồng mình mà chống lại

Quốc Gia dốc sức để ngăn nhanh

Thiên tai khủng khiếp làm sao sánh?

Đoàn kết bên nhau thắng quyết giành!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

NHỚ BẠN HIỀN! Thơ. Lê Trường Hưởng

 NHỚ BẠN HIỀN!

( Trong vòng vài năm nay tôi mất đến 6 bạn hiền )

Bạn hiền liên tiếp đã ra đi!

Ở trọ trần gian có vội gì?

Toàn Vị đạo cao và đức trọng

Toàn Người quân tử chẳng sân si

Cõi dương thưa bớt sao mà ngại!

Cõi âm tăng bội để làm chi?

Lòng nhớ mãi về thời tuổi trẻ

Than ôi Quy luật thắng xuân thì!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 





DƯ LUẬN CHÁN PHÈ! Thơ. Lê Trường Hưởng

DƯ LUẬN CHÁN PHÈ!

 

Dự luận lâu nay đã…chán phè

Lời qua tiếng lại thấy buồn ghê

Sư rằng Sư phải nào ai biết?

Vãi bảo Vãi hay mấy kẻ nghe?

Quy kết tội danh anh…chụp mũ

Gán cho phạm pháp chị…mang đè

Lung tung loạn xạ gây phiền toái

Cấp cấp Chính quyền đến lúc…đe!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm  


HỒI CHUÔNG TƯỞNG NIỆM…Thơ. Lê Trường Hưởng

 HỒI CHUÔNG TƯỞNG NIỆM…

 

Chuông Chùa ai oán gióng từng hồi

Chuông Chúa ngân vang mãi chẳng thôi

Tưởng niệm bao đồng bào ngã xuống

Nhớ người chống dịch đã qua đời

Toàn dân đau đớn cùng chia sẻ

Cả nước nhớ thương trải khắp nơi

Sát cánh bên nhau thành sức mạnh

Khiến cho Cô Vít phải xa rời!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

 

LẠI GẶP NHAU! Thơ. Lê Trường Hưởng

 LẠI GẶP NHAU!

 

Đã tám tháng rồi không gặp nhau

Cô Vi đại dịch đã gieo sầu

5 K hạn chế ra ngoài cửa

Giãn cách ở nhà chẳng đến đâu

Nới lỏng thời cơ liền chớp lấy

Bớt rồi dịp tốt vội giành mau

Nhận nhiều Ấn phẩm đang tồn đọng

Tay bắt mặt mừng lại gặp nhau!

 

L.T.H.


DU CÔN HAY CÔNG AN? Thơ. Lê Trường Hưởng

 Một cú "chĩa súng" thách thức pháp luật từ người thực thi pháp luật


DU CÔN HAY CÔNG AN?

 

Du côn sao lẫn với Công An?

Hình ảnh xấu đi chẳng phải bàn

Pháp Luật coi thường là đúng tội

Mạng người rẻ rúng thật không oan!

Xử nghiêm phải liệt vào nghi phạm

Làm đúng xếp ngay loại bị can

Đuổi thẳng khỏi Ngành tên hổ báo

“Vì dân phục vụ” lại chu toàn!

 

L.T.H.

 Hình minh họa sưu tầm

Sau khi vụ việc xảy ra người này ra xe mang vào bộ sắc phục công an (Ảnh: Cắt từ clip).

NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH. Thơ. Lê Trường Hưởng

NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH!

 

Những người thầy đáng kính trong tôi…

Hình ảnh khắc ghi đến trọn đời

Trí sáng Tâm trong như ngọc quý

Đạo cao Đức trọng tựa sao trời

Ơn sâu kể mãi không sao xiết

Nghĩa nặng ngợi ca chẳng đủ lời

Kết cỏ ngậm vành sao trả được

Những người thầy đáng kính trong tôi…

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH ( Tái bản có bổ sung, sửa chữa ). Văn xuôi. Lê Trường Hưởng

NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH ( Tái bản có bổ sung, sửa chữa ) 

Cuộc đời một con người, từ khi bắt đầu cắp sách đến trường, học những vần vỡ lòng đầu tiên, rồi qua các cấp học, vào Đại học, có khi còn cao hơn nữa; Đã trải qua bao nhiêu trường, lớp, bao nhiêu là thầy, cô dạy dỗ. Chắc chắn ai cũng có những ấn tượng, những kỷ niệm đẹp về thầy cô.

Với tôi, có lẽ những điều đó ghi dấu ấn đậm nhất là vào hồi học cấp III ( lớp 8, 9, 10 hệ mười năm ).

Khi tôi học lớp 8, Thầy Nguyễn Cương dạy môn Sinh Vật. Lúc dó, chúng tôi là những đứa trẻ đang lớn, khi học bài “ Giải phẫu sinh lý người” đều muốn tìm hiểu sâu về cơ thể con người. Được Thầy cho phép, chúng tôi đã hỏi rất nhiều câu hỏi và thầy đã giải đáp khá tỉ mỉ cho chúng tôi; Thầy bảo thầy đã phải tham khảo thêm rất nhiều sách báo. Khi chúng tôi lên lớp 9, thầy chuyển sang dạy môn Hoá Học. Thầy dạy hay nên chúng tôi học say mê. Riêng có mấy bạn sợ môn này nên khá lơ là học tập. Thế là mỗi khi giảng bài, ngoài việc thầy nói rất to:

- Đấy! nó có hiểu gì không nhỉ?

Cả lớp đồng thanh đáp lại:

- Có ạ !

Thầy lại quay sang hỏi:

- Minh Lý, Minh Hương, Đinh Nga, Đông A có hiểu gì không?

Đây như là một câu “:khẩu hiệu” thầy “hô” thường xuyên, quả là có tác dụng. Mấy bạn học kém môn Hoá đã chăm chỉ hơn, dần dần đạt được điểm trung bình trở lên. Sau này vài bạn trong số đó đi học Đại Học Sư Phạm và trở thành giáo viên dạy Hoá!

Tôi không rõ thầy Nguyễn Cương bao nhiêu tuổi, nhưng trông thầy già nhất trong số giáo viên nhà trường, có lẽ phải ngoài 60 tuổi ( lúc đó rất thiếu giáo viên và chế độ hưu trí chưa chặt chẽ như bây giờ ). Tuổi cao, lại giảng dạy suốt mấy chục năm, nhưng giọng thầy vẫn sang sảng. Thầy bảo nhờ thầy tập thể dục thường xuyên rèn luyện thân thể nên có sức khoẻ rất tốt. Giọng thầy giảng đã to, thỉnh thoảng thầy lại quát:

- Đấy! nó có hiểu gì không nhỉ?

Làm những bạn đang mơ màng thiếu tập trung và những bạn đang rì rầm nói chuyện riêng giật bắn mình, phải chú ý nghe Thầy giảng. Quả là một phương pháp sư phạm độc đáo!

Đến cuối lớp 9, một hôm Thầy đang giảng bài, chúng tôi thấy thầy giọng trầm hẳn xuống:

- Sang năm thầy được giao một nhiệm vụ nặng nề, không biết thầy có hoàn thành được không…

Chúng tôi ai cũng tưởng thầy chuyển đi trường khác nên tranh nhau hỏi, thầy chậm rãi trả lời:

- Sang năm các em sẽ biết!

Chúng tôi đều hồi hộp chờ đến “sang năm”. Hoá ra Thầy được phân công theo chúng tôi dạy Hoá Học lớp 10. Một việc tưởng như đương nhiên mà thầy lại lo lắng đến thế!

Hoá học lớp 10 có phần hoá hữu cơ rất khó. Từng dãy công thức dài rồi lại đồng đẳng, đồng phân…thế mà chúng tôi thấy Thầy chẳng cần nhìn sách, vừa liên tục viết ra, vừa giảng cho chúng tôi…

 Suốt những năm cấp III, thầy Thung là giáo viên Thể Dục dạy môn thể dục cho chúng tôi. Đây là một “môn phụ” nhưng chúng tôi không ai dám coi thường vì thầy rất nghiêm khắc. Thầy cũng vào hàng nhiều tuổi, nhưng Thầy có một cơ thể lực sĩ rất đẹp, đúng là con nhà Thể Thao. Chúng tôi đứa nào cũng khoái ngắm nhìn khi Thầy cởi trần. Ngoài việc dạy chúng tôi các môn thể dục thể thao rất tận tuy, Thầy còn rèn cho chúng tôi từ cách đi đứng và lời ăn tiếng nói. Thầy dậy bảo chúng tôi như một người cha. Thầy có uy tín lớn ở Sở thể dục thể thao nên Thầy xin cho chúng tôi, thay vì đi lao động, được vào sân Hàng Đẫy lúc ấy mới được xây dựng xong rất đẹp và hiện đại, làm các việc soát vé, hướng dẫn và một số việc lặt vặt khác. Thế là không có trận thi đấu bóng đá, bóng chuyền…nào chúng tôi không được vào. Lại còn sung sướng nằm trên thảm cỏ rất êm của mặt sân…

 Vào những năm đầu của thập niên 60, người có học vị cao ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, Nhưng thầy Vũ Bình dạy toán chúng tôi lại là một trong số người đó. Thầy là phó tiến sĩ Toán Lý. Thầy không cho chúng tôi biết, nhưng qua 1 số báo, tạp chí và qua các thầy cô của trường chúng tôi mới được biết. Rất nhiều trường Đại học mời Thầy về giảng dạy nhưng Thầy từ chối. Thầy bảo thầy thích dạy Phổ thông để có nhiều thì giờ nghiên cứu, và tiếp xúc với các em học sinh hồn nhiên, trong sáng, vô tư Thầy rất dễ chịu.
Thầy dạy môn Toán rất hay và sinh động chứ không khô khan như người ta tưởng. Chúng tôi phục Thầy sát đất bởi Thầy chỉ cần cầm viên phấn ngoằng một cái là trên bảng đã hiện ra một vòng tròn to tướng…tròn vo như quay bằng com pa; Hay Thầy vừa nói, vừa đi, vừa kẻ 1 đường thẳng ro suốt từ bên này đến bên kia tấm bảng! Hoặc có bạn nào rì rầm nói chuyện, Thầy nhắc không được, Thầy cầm mẩu phấn ném bao gi cũng chính xác đến chỗ đó, lập tức trật tự được lập lại! Hầu như giờ Thầy giảng chúng tôi im phăng phắc, tập trung cao độ.
Thầy cũng coi chúng tôi như con, không chỉ dạy toán mà còn dạy cách làm người.
Thầy có một cuộc sống riêng khá đau buồn vì con Thầy hoặc mất luôn lúc sinh ra hoặc đến một tuổi nhất định thì không nuôi được…( sau này tôi mới biết do rối loạn nhiễm sắc thể gì đó…).

 Một Thầy có học vị cao nữa dạy chúng tôi môn Trung Văn đó là thầy Vũ Ngọc Quỳnh. Thầy được đào tạo bài bản, nhiều năm ở Trung Quốc. Trình độ của Thầy tương đương với Thạc sĩ ngày nay. Thầy dạy giỏi, có lối diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu, cuốn hút học sinh. Thầy luôn tươi cười có chút hài hước, thỉnh thoảng lại kể cho chúng tôi những câu chuyện hay, vui vẻ; Không ai biết trong lòng Thầy ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm: Thầy có một cuộc tình lỡ dở, không lấy được người mình yêu vì nhiều lý do ( tôi được Thầy tâm sự ). Thấy tôi chăm chỉ học môn của Thầy, luôn đứng đầu lớp, Thầy hài lòng lắm, thỉnh thoảng bảo tôi đến nhà Thầy dạy bảo thêm. Thầy hay đọc từ nguyên bản bằng tiếng Trung, “tiếng” Hán Việt, tiếng Việt cho tôi nghe các bài thơ của các nhà thơ Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Thôi Hiệu…Tôi nghe mà cứ như uống từng lời, như ngây như dại, không hiểu sao các vị ấy lại nghĩ ra được những áng thơ tuyệt vời đến thế. Nhìn vẻ mặt của tôi, Thầy đâm ra quý thằng học trò cảm thụ tốt; Thế là Thầy dạy luôn cho tôi thơ Đường Luật. Khi đã nắm được phần cơ bản, Thầy ra các đề tài cho tôi viết rồi Thầy lại “chấm bài” chỉ dạy cho tôi từng ly từng tý!
Những lần đến nhà Thầy, tôi hay gặp một số người Trung Quốc, họ là những du học sinh, thậm chí có cả các nhà Văn, nhà Nghiên cứu đến hỏi Thầy  những Hán tự cổ, những điển tích xa xưa rất ít người biết! Họ đều tỏ ra bái phục trước những kiến thức và giọng như người Bắc Kinh của Thầy ( Họ hầu hết là người các địa phương không phát âm được “chuẩn Bắc Kinh” như Thầy ).
Cách đây cũng khá lâu, Báo chí ồn ào về một chuyện có liên quan đến Thầy:
Số là Thầy có một người học trò chức sắc ở một Nhà Xuất Bản, tay này nhờ Thầy ( nói đúng là thuê ) dịch một cuốn sách cổ của Trung Quốc, khó đến mức nhiều Dịch giả đã…lắc! Thầy hứng thú nhận lời, “nộp bài” đúng hạn rồi…quên luôn. Cuốn sách sau đó được xuất bản, có vài người học trò khác của Thầy trong đó có nhà Báo phát hiện ra Dịch giả là Thầy mà lại mang tên tay học trò kia! Họ lên tiếng trên mặt báo. Gã “học trò quý” này cãi chày cãi cối bảo là bản dịch của Thầy không dùng được vì thế nọ thế kia, Y phải sửa chữa nhiều nên…đề tên mình! Lại còn "tố" Thầy không chịu nhận tiền tạm ứng! Đến lúc này Thầy mới biết chuyện, khi Phóng viên đến phỏng vấn, Thầy trả lời rất khách quan, trung thực về sự việc. Chắc là Thầy muốn…tha cho thằng học trò “Tôn Sư trọng Đạo”…ngược! Nên tôi thấy Báo chí thôi luôn. Sau “ồn ào” đó vài năm, Thầy đã quy tiên do tuổi cao, sức yếu. Tôi không hiểu chuyện này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe Thầy không? 

Hai Thầy dạy Văn của tôi hồi đó là hai nhà văn lỗi lạc, hai người đã định hướng “Văn nghiệp” của tôi sau này đó là Thầy Phùng Quốc ThụyThầy L.N.C. Thầy L.N.C. tôi xin phép không nêu rõ tên, lý do gì sẽ nói ở cuối bài.
Hai Thầy là bạn thân của nhau, các thầy viết rất nhiều dưới nhiều bút danh. Cả hai thầy đều giỏi tiếng Pháp và Hán Nôm. Cũng nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu mời hai thầy về làm việc, nhưng hai thầy đều từ chối với lý do dạy Phổ thông để có nhiều thời gian viết, và học ở học trò nhiều điều!
Lúc đã “thân” được với hai thầy tôi hỏi:

- Em nghĩ là các thầy khiêm tốn quá, chứ chúng em là học trò của các thầy, đang học còn chưa xong, mà các thầy lại bảo học ở chúng em!
Cả hai thầy đều có chung câu trả lời:

- Các em viết ra những dòng mộc mạc hồn nhiên vô tư, rất thật, có nhiều ý hay như những nguyên liệu thô rát quí. Đọc những dòng ấy rất thích! học được nhiều chứ!

Thầy Phùng Quốc Thụy có một bút danh là Tú Sụn ( thầy đùa bảo là em ông Tú Mỡ ) thầy viết các bài thơ trào phúng rất hay đăng trên các Báo, và tôi cũng ảnh hưởng thầy nhiều.
Thầy L.N.C. ngoài các tác phẩm văn thơ, Thầy còn là nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học xuất sắc. Mỗi khi lên lớp, Thầy không đóng khung trong bài giảng mà mở rộng ra nhiều. Tiết giảng của Thầy tôi say mê đến mức ngồi ngây ra mà nghe không biết gì đến xung quanh. Đến nỗi các bạn trong lớp người bảo tôi như kẻ mất hồn, người bảo tôi như…Phạm Ngũ Lão, giáo đâm vào đùi không biết!
Tôi có may mắn là ở rất gần nhà thầy L.N.C. Nhà tôi và nhà Thầy ở góc hai con phố giao nhau, như tựa lưng vào nhau. Thỉnh thoảng tôi lại đi bộ khoảng vài chục mét vòng sang nhà Thầy. Thầy rất quí tôi và bảo làm bài vở xong, nếu rỗi thì sang nhà Thầy “đàm đạo”. Chao ôi! tôi nghe hai chữ  “ đàm đạo” tôi thấy ngượng nhưng lại…sung sướng, mang chút hãnh diện vừa vô cùng lo lắng. Thế là tôi lao vào học, vào đọc để có chút vốn còm hầu chuyện Thầy. Mỗi lần tôi sang, Thầy xưng hô với tôi ông ông, tôi tôi cứ như là với bạn. Ngoài học ở lớp, tôi đã học được ở Thầy nhiều…
Cả hai thầy Phùng Quốc Thuy và L.N.C. đều coi tôi là trò yêu, nhưng cả hai thầy thấy tôi định thi vào Tổng Hợp Văn, đều khuyên tôi không nên đi theo con đường văn nghiệp. Cả hai thầy đều bảo tôi rằng có thể em sẽ trở thành một cây bút xuất sắc, nhưng con đường văn nghiệp nó ghập ghềnh lắm, chông gai lắm, vất vả khổ sở lắm và…bạc bẽo lắm! Em học khá cả các môn tự nhiên, em nên thi vào một trường Kỹ thuật, khi ra trường vừa làm vừa viết là hay nhất!
Vâng lời hai thầy tôi vào Đại học, học ngành kỹ thuật nhưng cũng liên quan nhiều đến nghệ thuật. Và vẫn viết tuy không được liên tục như bây giờ.
Khi vào Đại học, nhà tôi chuyển đến đầu phố, cách nhà thầy L.N.C. một quãng và tôi vẫn đến thăm thầy.
Tốt nghiệp Đại học, đi công tác, rồi vào chiến trường, tôi bặt tin Thầy. Đến khi trở về Hà Nội tôi mới được bạn bè kể lại thật khủng khiếp: Vợ thầy đã phản bội thầy, và trong lúc đau khổ tột cùng, với sự mong manh lại rất nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, Thầy đã ra đường tầu hoả quyên sinh! Thật là một kết cục quá bi thảm!

 Những người Thầy đã dạy tôi, dù ở cấp bậc nào cũng đều rất đáng kính. Nhưng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, những kỷ niệm đẹp, đáng ghi nhớ là những người Thầy tôi đã kể.

Cho đến bây giờ những gương mặt, giọng nói, những lời dạy dỗ của các Thầy vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi không phai mờ, dù các Thầy đã lần lượt quy tiên từ lâu lắm rồi 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm


VÌ NHIỆM VỤ! Thơ. Lê Trường Hưởng

 VÌ NHIỆM VỤ!

( Tặng những người làm nhiệm vụ chống Dịch đêm ngày )

Chống Dịch lâu ngày thấy nhớ con

Biết Cô Vi quần áo đang còn

Về qua chỉ đứng xa mà ngắm

Đến ngõ dừng chân chẳng tiến hơn

Thèm lắm muốn ghì cưng thật chặt

Khát khao mong ôm bé mà hôn

Đành lòng gạt bỏ mà đi vội

Nhiệm vụ được giao phải vẹn tròn!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 




THUA ĐỂ…THẮNG! Thơ. Lê Trường Hưởng

THUA ĐỂ…THẮNG!

 

Tuyển ta “vùng trũng” mới ngoi lên

Chẳng lạ gì thua sáu trận liền

Các Đội mạnh hơn về đẳng cấp

Đôi phương vượt trội ở hàng trên

Tinh thần chiến đấu không sa sút

Ý chí quyết tâm thật vững bền

Mỗi trận rút nhiều kinh nghiệm quý

Tốp đầu Châu Lục sẽ ghi tên!

 

L.T.H.

Tấn Trường cùng hàng thủ Việt Nam đã chơi khá tốt trước Saudi Arabia - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

TIẾN LÊN ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM! Thơ. Lê Trường Hưởng

TIẾN LÊN ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM!

 ( Trước trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út - 19g ngày 16/11/2021 tại Mỹ Đình )

Dẫu phải dừng vòng loại thứ ba

Thầy trò không phải ngại đâu mà!

Thể hình thể lực mình thua kém

Đẳng cấp kỹ năng họ vượt xa

“Ông lớn” “Tầm trung” chưa đọ được

“Cửa trên”  chót bảng khó băng qua

Tuyển nhà “lột xác” như Phù Đổng

Châu Lục tốp đầu sẽ có ta!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

 

NHẮN THẦY PARK! Thơ. Lê Trường Hưởng

 NHẮN THẦY PARK!

 

Thầy Park cúi đầu hãy ngẩng lên!

Tỏ ra khí phách chí gan bền

Có thua “Đẳng cấp” không gì ngượng

Không thắng “Cửa trên” chẳng phải hèn

Truyển lửa lại mau cho Đội Tuyển

Nâng tinh thần chóng với Thành viên

Mọi người đánh giá cao năng lực

Cả nước luôn luôn ở cạnh bên!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

MIẾNG ĂN…Thơ. Lê Trường Hưởng

MIẾNG ĂN…

 

“Miếng ăn quá khẩu thành tàn” mà!

Các Cụ từ xưa đã dạy ta

Thèm muốn trong lòng kiềm chế lại

Khát khao ngoài mặt chớ bày ra

Của người ý tứ đừng…hau háu

Thuộc khách dửng dưng chớ…đậm đà

Danh dự mất còn trong bữa tiệc

Nuốt vào miếng thịt nhục không qua!

 

L.T.H.

Hình minh họa sưu tầm 

 

KẺ CẮP BÀ GIÀ! Thơ. Lê Trường Hưởng

 KẺ CẮP BÀ GIÀ!

 

Chút nữa bị lừa bởi Hắc cơ! (Hacker)

Mao danh ông bạn thật không ngờ!

Tôi xem thấy ảnh anh là đúng

Nó hách (hack) hình này để nhận vơ          

Trao đổi một hồi ngờ ngợ quá

Gọi ngay lập tức thấy sờ sờ

Lộ ra tin tặc chuyên đi bịp

Kẻ cắp bà già chớ có mơ!

 

L.T.H.

 Hình minh họa sưu tầm